NƯỚC MẮM LÚ

NƯỚC MẮM LÚ

 

 

“Cho đến bây giờ tôi cũng chưa có lời giải về công dụng chữa bệnh của nước mắm lú và cũng không biết trong dân gian có còn dùng nước mắm lú  không nữa nhưng trong tôi nước mắm lú vẫn là một huyền thoại đẹp đẽ. Bây giờ về Phan Thiết, đi tìm thứ nước mắm không ăn được với cơm ấy chắc cũng không khó, những nhà làm nước mắm truyền thống vẫn cất giữ chúng nhưng hầu như chưa thấy họ bán bao giờ.”

Thời gian cứ dần trôi qua và hôm nay rất ít người nhắc đến một sản phẩm có một không hai ở Bình Thuận, đó là nước mắm lú.

 

 Chúng tôi không sinh ra trên mảnh đất này nhưng có nhiều ngày cất công đi tìm thứ nước mắm không ăn được với cơm này.

Ngày ấy, bà chủ của tiệm nước mắm nổi tiếng một thời Hồng Hương đã tiếp chúng tôi trong căn nhà đã từng san sát mái vú, thùng chượp.  Câu chuyện về nghề không đầy đủ bởi vì cuộc cải tạo công-thương nghiệp năm nào đã khiến gia đình bà chuyển nghề, bây giờ với bà nó chỉ là kỷ niệm không muốn khơi gợi.

Chúng tôi chỉ biết rằng cũng con cá cơm, cá nục ấy nhưng mỗi nhà lều có một cách chế biến khác nhau và như thế hương vị từng hãng cũng khác nhau, có ngon, có dở hoặc không đạt với khẩu vị người này mà lại quá tuyệt với người kia.

Trong lúc cuộc nói chuyện tẻ nhạt càng lúc càng đi dần đến hồi phải nói câu tạm biệt thì một người trong nhóm bỗng hỏi về nước mắm lú.  Bà chủ đứng dậy đi về phía bếp và mang ra một chai thủy tinh đen sì. Một chiếc chén men trắng được đặt trang trọng trên bàn, bà nhẹ nhàng nghiêng chai, một thứ nước màu cánh gián chảy ra.  Chúng tôi đều ngỡ ngàng và càng ngỡ ngàng hơn khi đưa chén lên gần mũi. Mùi vị của thứ nước mắm lú này chẳng thơm, chẳng bốc như nước mắm nhĩ.  Chúng khăn khẳn, mùi sắc, nhọn, xộc vào mũi khiến người ta phải nhăn mặt.

Nếm thử một chút nơi đầu lưỡi, tôi bật ho sặc sụa. Bà chủ mỉm cười “Không dễ uống đâu nhưng lát nữa sẽ ấm người lên đấy”. Được khuyến khích tôi cố gắng nếm đủ một muỗng cà phê và  “chữa cháy” bằng nước lạnh.  Chiếc muỗng đi chưa giáp vòng câu nói của bà chủ đã được chứng minh.

Người tôi nóng lên một cách rất dễ chịu, ấm áp từ bên trong, rất nồng nàn nhưng cũng rất nhẹ  không giống như uống rượu mạnh. Bà chủ vui ra mặt vào nhà kiếm những chiếc chai xị rót cho mỗi đứa một chai với lời dặn: “Khi nào viêm họng ngậm một chút sẽ đỡ ngay, khi lạnh trong người cũng dùng được nhưng không được dùng nhiều. Sức các cô, các cậu thì chỉ một muỗng thôi”.

Có lần gặp ông Trương Công Lý, một cộng tác viên của Đài và cũng là dân Phan Thiết gốc, nhắc lại chuyện nước mắm lú ông đã hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cách làm, công dụng và những người nổi tiếng đã uống nước mắm lú như thế nào.

Những câu chuyện dân gian về các phẩm vật mang lại tên tuổi cho những vùng đất thường được phủ lên lớp bụi huyền thoại nên chúng mang một sắc thái kỳ bí, nửa hư nửa thực, khó coi đó là chính xác 100% nhưng lại là nguồn đề tài cho những người yêu quê hương tha thiết.

 

Theo ông Lý, người ta thường chọn thứ nước mắm nhĩ, loại tinh chất nhất để làm nước mắm lú vì như thế mới bảo đảm nhiều dinh dưỡng.

Nói là làm chứ thực ra chỉ để lại đó mà thôi, để lâu quá, chừng 10 năm, tức là quên đi, bỏ đâu đó mà lú lẫn không nhớ  sẽ thành nước mắm lú. Vị mặn sẽ bớt rất nhiều, mùi thơm cũng mất đi nhưng giá trị dinh dưỡng thì tăng lên, điều đó khiến cho nước mắm lú chuyển sang vai trò mới, đó là làm thuốc.

Người đi lặn biển vào mùa lạnh uống một ngụm thì cơ thể sẽ ấm lên, ngâm lâu cũng không bị lạnh.  Người chuẩn bị lên một câu  vọng cổ, một chút nước mắm lú sẽ khiến giọng thanh hơn, sức trường hơn… Bởi vậy Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương,… đều đã dùng nước mắm lú khi ra Phan Thiết diễn.  Đáp lại cái trợn mắt ngạc nhiên tỏ vẻ không tin của chúng tôi, ông Lý khẳng định: “Thật mà, không tin cô cứ uống một chút rồi xem giọng mình thế nào”.

Tất nhiên là tôi uống thử và cũng tất nhiên là chất giọng chẳng lên được chút nào, đã vậy còn có cảm giác khét khét ám ảnh cổ họng.  Cũng phải thôi, tôi đâu có là ca sĩ. Và tôi cũng không chắc rằng các giọng ca cải lương mùi mẫn trên có từng uống nước mắm lú không.

Thời gian trôi qua, chúng tôi đứa nào cũng có một chai nước mắm lú nho nhỏ trong nhà và cất giữ như một của quý hiếm, nhất định không cho ai nhưng cũng không dùng.

Bẵng di đến 2-3 năm sau tôi bị một trận viêm họng nặng, cổ đau rát, nuốt nước miếng còn nhăn mặt nói gì đến ca hát. Uống thuốc tây mãi chẳng thấy đỡ, tình cờ dọn dẹp tủ đựng ly chén mới thấy chai nước mắm lú bụi phủ mờ.

Tò mò và cũng chẳng còn cách nào hơn là mạo hiểm uống thử, nhớ lời bà Tư Phương, tôi chỉ lấy đúng một muỗng cà phê mang ra bàn ngồi ngắm nghía rồi đổ luôn vào miệng. Cảm giác khét và đắng vẫn còn, vị mặn không đáng kể và mùi vị phảng phất như có con gián nào đang bò bên cạnh. Tuy nhiên chỉ một phút sau người tôi nóng dần lên, cổ họng dịu lại một cách rõ rệt, không thấy rát nữa.

Qua giấc ngủ trưa có vẻ như nước mắm lú hiệu nghiệm thật, tôi khấp khởi mừng. Ngày hôm  sau bệnh viêm họng ra đi không chào tạm biệt. Tôi cũng ngạc nhiên nhưng không lý giải nổi vì sao nó lại có tác dụng ấy.

Thời gian trôi qua, tiếc là chai nước mắm lú đã dần khô cạn đi do tôi không biết cách giữ gìn. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa có lời giải về công dụng chữa bệnh của nước mắm lú và cũng không biết trong dân gian có còn dùng nước mắm lú  không nữa nhưng trong tôi nước mắm lú vẫn là một huyền thoại đẹp đẽ. Bây giờ về Phan Thiết, đi tìm thứ nước mắm không ăn được với cơm ấy chắc cũng không khó, những nhà làm nước mắm truyền thống vẫn cất giữ chúng nhưng hầu như chưa thấy họ bán bao giờ.

Trong thời đại hội nhập, mỗi một dân tộc đều phải giữ gìn bản sắc văn hoá của mình khi hoà nhập với thế giới những giá trị khác. Nước mắm hay nước mắm lú sẽ là một nét văn hoá độc đáo của Bình Thuận.

 

 

Nhận xét

  1. Nước mắm lú là gì vậy bạn ơi? Có phải là nước mắm tốt không ?

    Trả lờiXóa
  2. Bạn ơi nước mắm Lú được sản xuất như thế nào vậy? Nó khác gì so với nước mắm công nghiệp không vậy?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nước Mắm Việt - Lắng Đọng Hồn Dân Tộc

Ca Dao Về Cơm