Hương ... mắm

Hương ... mắm 

Mắm là một món ăn mang đầy tính... thách thức, ai có can đảm mới dám làm bạn với mắm để mà gắn bó với nó suốt đời. Vì vậy, không có gì lạ khi thứ thực phẩm “nặng mùi” này đi liền với... tình nghĩa vợ chồng, từ thuở tóc còn xanh, mới xây tổ uyên ương đã nghe sực nức cái mùi “độc chiêu”:



Mắm ruột

“Nước chanh giấy hòa vào mắm mực
Rau mũi viết lộn trộn giấm son
Bốn mùi hiệp lại càng ngon
Như qua với bậu, chẳng còn cách xa” 


Hay là mùi mẫn hơn: 


“Mắm cua chấm với đọt vừng
Họ xa mặc họ, ta đừng bỏ nhau.”




Mắm cái

Cho đến khi răng long đầu bạc chống gậy lụm cụm, mà bạn tôi gọi là “đôi bóng nhỏ đi vào... Thiên Thai” thì mắm là cái tình chung thủy có mùi vị rất đời và khó tả:

“ Con cá làm nên con mắm
Vợ chồng nghèo thương lắm mình ơi” 


Các cô chưa chồng mà còn kén (như tui!) bị so sánh với ... hũ mắm để lâu trong nhà:


“Liệu cơm mà gắp mắm ra
Liệu cửa liệu nhà, em lấy chồng đi.”


“Trai ba mươi tuổi đang xinh
Gái ba mươi tuổi như chình mắm nêm” 




Mắm cá lóc

Đừng sợ, mắm là mặt hàng dự trữ lâu, không sợ thiu. Nhiều chàng coi bộ cũng ưa mấy cái hũ mắm hơn mấy cô non tơ nheo nhẻo trên thị thành, nên các bạn nữ hãy cứ tự tin:


“Muốn làm kiểng lấy gái Sài Gòn
Muốn ăn mắm cái, lấy gái đen giòn Bạc Liêu.”
“Anh than cha mẹ anh nghèo
Đũa tre yếu ớt không dám quèo con mắm nhum”


Thì ra mắm cũng có thứ sang trọng, đắt tiền khiến cho mấy anh với không tới, chớ đừng làm bộ chê. Dầu mình có lớn tuổi hơn thì hũ mắm cũng vẫn có người mơ tưởng kia mà:


“Mắm ruốc trộn lẫn mắm nêm
Ban ngày kêu chị, ban đêm kêu mình.”




Mắm ruốc

Vả lại, mấy ảnh cũng đi cưới vợ bằng mắm, chớ có chi lạ:


“Tiếng đồn con gái Phú Yên
Ghe anh đi cưới một thiên mắm mòi
Không tin giở thử lên coi
Rau răm ở dưới, mắm mòi ở trên.” 


Ai biểu đi cưới vợ bằng mắm, đến khi chung sống rồi thì hũ mắm cũng làm khổ đời trai! 


“Em còn bánh đúc bẻ ba
Mắm tôm quệt ngược, cửa nhà anh tan” 


Mắm tôm là thứ gia vị mặn mà của nhiều món ăn phía bắc, tại sao người ta lại thường ví nó với sự bất hòa, thô kệch:


“Vợ chồng ta bánh đa bánh đúc
Vợ chồng nó... một cục mắm tôm”




Mắm tôm

Mắm là sự dầm ấm trong gia đình:


“Giàu thì thịt cá bĩ bàng
Nghèo thì cơm mắm lại càng thấm lâu”


Mắm cũng là sự thay lòng đổi dạ: 


“Đói cơm lạt mắm tèm hem
No cơm mặn mắm lại đòi nọ tê”


Nhất là ngày xưa, họ đòi hỏi người phụ nữ phải thủ tiết khi chồng mất, người nào vượt ra khỏi vòng lễ giáo bị nói mỉa mai:


“Con ơi ở lại với bà
Má đi làm mắm tháng ba má về
Má về có mắm con ăn
Có khô con nướng, có em con bồng.”




Mắm cáy

Thôi thì mặc họ, chúng ta chỉ cần biết mắm là một món ăn ngon miệng làm nên danh tiếng của nhiều vùng đất: 

“Muốn ăn bông súng mắm kho,
Thì vô Đồng tháp, ăn cho đã thèm”


                                                           Quán mắm Ông Bình (ST)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nước Mắm Việt - Lắng Đọng Hồn Dân Tộc

Ca Dao Về Cơm